Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Giang My (tổng hợp) đã đăng lúc 11:41 - 24.04.2024

Thực tế này đã và đang diễn ra vài năm gần đây khi các cơ quan báo chí gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn thu trong khi cơ chế chính sách vẫn còn điểm nghẽn.
Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

 

Kinh tế báo chí rất khó khăn

Các cơ quan báo chí toàn cầu rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt trong việc tìm nguồn thu, khi số lượng công chúng ngày một sụt giảm, các doanh nghiệp đều tìm cách cắt giảm chi phí quảng cáo. Báo chí Việt Nam cũng không nằm ngoài tình cảnh khó khăn này. Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Khác nhau về loại hình nhưng giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. 

Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo sự cạnh tranh với báo điện tử, đồng thời cũng đẩy người dùng lên Internet để tiếp nhận thông tin nhiều hơn. Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã “bay hơi” trong 15 năm qua.

Từ cuối năm 2022, tình hình khó khăn hơn, sau khi các doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn cắt giảm chi cho quảng cáo và truyền thông. Bên cạnh đó là việc thiếu cơ chế Nhà nước đặt hàng báo chí và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

quang-cao-so-2-1

Trong một báo cáo mới nhất của Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho thấy, có một thực tế rằng dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn chủ yếu dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% nhưng nguồn thu này giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.

Các chuyên gia báo chí cho rằng nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng tìm đến các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google… Theo các báo phản ánh, thực tế hoạt động xuất bản, phát hành của hầu hết các báo đều bị lỗ, chỉ có lãi đối với hoạt động khác như sự kiện, tài chính… mà nếu không được bù trừ với hoạt động báo chí là điều bất hợp lý. Đặc biệt, sự xuất hiện của Chat GPT đã kích hoạt cuộc “chạy đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo” trong lĩnh vực báo chí. Tạo ra sức ép với những cơ quan báo chí dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo số.

Mặc dù báo chí đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự cạnh tranh từ các nền tảng truyền thông xuyên biên giới và sự suy giảm doanh thu sau đại dịch COVID-19 nhưng những thách thức đó cũng tạo ra cơ hội để báo chí thay đổi cách thức kinh doanh và quảng cáo. Thay vì chờ đợi doanh nghiệp đến quảng cáo, báo chí đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và tạo ra những gói quảng cáo và hợp tác kinh doanh linh hoạt.

Bên cạnh quảng cáo truyền thống, báo chí đã khai thác tiềm năng của quảng cáo trực tuyến, quảng cáo đa phương tiện và cả quảng cáo chạy trên các nền tảng di động. Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan báo chí cần duy trì độc lập và không bị chi phối bởi quảng cáo. Mục tiêu chính của mỗi tòa soạn vẫn là cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy cho công chúng. Quảng cáo chỉ là một phương tiện để tài trợ cho các hoạt động mà không ảnh hưởng đến tính khách quan của nội dung. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với kinh tế báo chí như có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí … Thậm chí, khi xây dựng dự thảo Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT từng đưa ra phương án coi cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 23/4 vừa qua, theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng nghiên cứu đưa lĩnh vực báo chí xuất bản có đưa vào luật Quản lý thuế hay không?. "Hiện nay, báo giấy với báo điện tử thì đều khó khăn cả, báo điện tử cũng rất khó khăn. Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Lĩnh vực báo chí đang rất khó, các đồng chí cũng nên nghiên cứu thêm chỗ này", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Sẽ có những sửa đổi quan trọng để kinh tế báo chí tốt hơn

Kinh tế báo chí cũng là một trong những vấn đề được thảo luận rộng rãi tại Hội nghị Báo chí toàn quốc diễn ra ngày 21/12/2023 bởi sự phát triển của báo chí Việt Nam sẽ không thể bền vững nếu thiếu chủ trương, định hướng của Trung ương cũng như những vấn đề căn cốt là kinh tế để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Trước đó, ngày 25/11/2023, Bộ TT&TT đã gửi công văn tới Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong thực hiện quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

kinh-te-bao-chi-1

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam hồi tháng 6/2023 đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế kinh tế, tài chính, để báo chí Việt Nam phát triển bền vững hơn, lành mạnh hơn. Chúng tôi cho rằng đó là những định hướng quan trọng”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm, không chỉ có Bộ TT&TT gửi công văn mà Hội Nhà báo Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tựu chung là những khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí. Những kiến nghị của các cơ quan báo chí và đơn vị quản lý nhà nước về báo chí nói chung… là có cơ sở, tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, của Bộ Tài chính, mà còn là của các cơ quan liên quan khác.

Về nguyên tắc, theo Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, Bộ TT&TT sẽ duyệt giá tối đa, đơn vị đặt hàng dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực báo chí quyết định giá cụ thể để đặt hàng, đấu thầu. Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ TT&TT nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Các nghị định khác có liên quan như Nghị định 60/2021/NĐ-CP đang trong quá trình dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo những phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí nói riêng, đơn vị sự nghiệp công lập nói chung.

Một vấn đề được cho là“tế nhị” khác, đó là các cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn này rất mong muốn được ưu đãi thuế hơn nữa. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Đảng và Nhà nước chắc chắn thấu hiểu tâm tư và bối cảnh của báo chí, công cụ sắc bén của hệ thống chính trị. Và thực tế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy định mức thuế 10% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí. Vấn đề ưu đãi thuế còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thực hiện các chủ trương của Trung ương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030…, các nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định yêu cầu rà soát thuế thu nhập doanh nghiệp để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn… Những định hướng quan trọng này đang được Bộ Tài chính triển khai, cụ thể là nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Trong quá trình này, Bộ Tài chính mong muốn các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để các khó khăn về thuế sẽ được tháo gỡ chung, không chỉ cho các cơ quan báo chí. Mặc dù hiện còn rất nhiều quy định có liên quan đến hoạt động báo chí nhưng cũng đã rất rõ ràng. Cơ quan quản lý báo chí hướng dẫn và bản thân các cơ quan báo chí cũng phải tìm hiểu kỹ để áp dụng nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm minh.

  • một tuần trước
  • 267

Tổng Giám Đốc

LÊ NGỌC QUANG

Phó Tổng Giám đốc

ĐINH ĐẮC VĨNH

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ THANH HẢI

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ ĐỨC HOÀNG

SẢN PHẨM TRUYỀN HÌNH

Dịch vụ quảng cáo
Dịch vụ quảng cáo
Sản phẩm nội dung số
Sản phẩm nội dung số
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền