Công cụ AI càng tiếp cận dễ dàng, khả năng sai sót càng nhiều

Theo Nhà báo & Công luận đã đăng lúc 07:00 - 01.03.2024

Nếu biết tận dụng tốt tính năng chuyển văn bản thành video ngắn, tạo ra hình ảnh chuyển động như thật của AI sẽ tạo ra những sản phẩm báo chí mới. Tuy nhiên, những chương trình AI siêu việt này cũng gây ra những rủi ro đáng quan ngại.
Công cụ AI càng tiếp cận dễ dàng, khả năng sai sót càng nhiều

Sau ChatGPT, ứng dụng Sora của OpenAI ra mắt với tính năng chuyển văn bản thành video ngắn, tạo ra hình ảnh chuyển động như thật. Mặc dù tính ưu việt là có nhưng liệu có những nguy cơ gì khi sử dụng, nhà báo Nguyễn Cao Cường - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình VTVcab, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, mạng xã hội đã có những chia sẻ thêm để làm rõ hơn vấn đề này.

Nên gắn nhãn cho sản phẩm AI khi sử dụng nó

PV: Thưa anh, anh đánh giá thế nào về sự phát triển công nghệ AI hiện nay, đặc biệt khi gần đây còn xuất hiện thêm ứng dụng Sora (“người anh em” với ChatGPT ở công ty OpenAI) có khả năng tạo ra video từ văn bản?

- Công nghệ AI ứng dụng trong lĩnh vực media hiện nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi trước đây chúng ta chủ yếu dùng AI để sản xuất các hình ảnh tĩnh, đơn giản thì giờ AI bắt đầu sản xuất dạng video. Trong đó, ứng dụng Sora của OpenAI vừa ra mắt với tính năng chuyển văn bản thành video ngắn với thời lượng tối đa dưới 1 phút. Sora tạo ra những video có hình ảnh sinh động, chuyển động mượt mà, bối cảnh tỉ mỉ đem lại cảm giác chân thực… Điều này tạo cơ hội lớn cho các công ty công nghệ, công ty chuyên về lĩnh vực media và cả các cơ quan báo chí truyền thông trong việc sử dụng các hình ảnh động, có dạng clip để làm minh họa cho sản phẩm truyền thông của mình.

Tuy nhiên, việc sử dụng tất cả các sản phẩm của AI vẫn đang được các bên sử dụng ở mức độ dè chừng, thậm chí nhiều nước đang tính toán đến việc xây dựng các bộ quy chế cho việc sử dụng AI trên lĩnh vực báo chí, để có hành lang pháp lý rõ ràng. Mặc dù là công cụ rất tốt, hữu ích cho người làm truyền thông báo chí nhưng triển khai ứng dụng nó như thế nào thì cần được xem xét nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực báo chí. Bản thân lĩnh vực báo chí vốn mang yếu tố tôn trọng sự thật khách quan, trong khi đó, sản phẩm trí tuệ nhân tạo chỉ là sản phẩm được thực hiện từ máy móc, sự tổng hợp nên chúng chỉ mang tính chất minh họa.

PV: Thời cơ luôn đi kèm với những nguy cơ, ứng dụng AI càng siêu việt bao nhiêu thì cũng gây ra những rủi ro lớn hơn, anh đánh giá thế nào về nhận định này?

- Công nghệ càng phát triển này nảy sinh rủi ro khi AI có thể sáng tạo ra nhiều đối tượng giả mạo giống như người thật. Hình ảnh con người có những hoạt động trên môi trường mạng giống như thật dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin như tình trạng Deepfake giả mạo hình ảnh, giọng nói để lừa đảo trực tuyến khá nhiều thời gian qua. Mặt trái của Deepfake và AI khiến chúng ta có sự e ngại riêng, dần dần mọi người sẽ không tin vào hình ảnh được AI tạo ra.

cong-cu-AI-4

Sora của OpenAI tạo ra các video dài tới một phút, bao gồm các cảnh phức tạp, chuyển động của camera và nhiều nhân vật tràn đầy cảm xúc. Ảnh được cắt từ clip ứng dụng Sora tạo ra.

Hiện các cơ quan báo chí hay ở các cơ quan quản lý nhà nước chưa có bất kỳ một quy định nào liên quan đến lĩnh vực AI. Vì thế, các tòa soạn khi tận dụng công nghệ này dù ít hay nhiều cũng nên gắn nhãn cho sản phẩm AI khi sử dụng nó. Điều này cũng nhằm cảnh báo công chúng biết đây là những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo chứ không phải do con người tạo ra, đồng thời nhấn mạnh đó là hình ảnh mang tính chất minh họa, không có thật, tránh trường hợp hiểu lầm của công chúng.

Cần hết sức thận trọng và khéo léo khi sử dụng AI trong báo chí

PV: Trước mắt, các cơ quan báo chí có thể tận dụng những ưu điểm mà AI mang lại như thế nào thưa anh?

- Các cơ quan báo chí sử dụng ảnh minh họa do AI sản phẩm, đó có thể một bức ảnh về đồ họa, quảng cáo, giới thiệu, mang tính chất minh họa thì yêu cầu về độ chính xác tuyệt đối không đặt ra quá cao vì thế có thể sử dụng được. Nhưng một bài viết về điều tra, phóng sự hay đơn giản là một tin, bài thời sự thì việc sử dụng hình ảnh AI chắc chắn không được, vì công chúng sẽ bị nhầm lẫn giữa hình ảnh từ thực tế và hình ảnh do AI sáng tạo ra.

Vì vậy, trong lĩnh vực báo chí, khi sử dụng AI cần hết sức thận trọng và khéo léo. Nếu đó là sản phẩm của một công ty truyền thông hay một đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm media để quảng cáo sản phẩm cho các công ty, bán hàng, hướng dẫn cho khách hàng thì hoàn toàn có thể ứng dụng AI. Điều này chỉ nhằm phục vụ tạo ra những hình ảnh sáng tạo hấp dẫn mang tính minh họa một cách nhanh chóng. Tùy thuộc vào tác phẩm media đó phục vụ cho nhiệm vụ gì để gắn nhãn cho nó hoặc là không nhưng theo tôi, đây là một hiện tượng mới nên gắn nhãn.

Ví dụ, công cụ vẽ một bức tranh nói về sự kiện đã diễn ra hàng chục, hàng trăm năm rồi, chúng ta có thể tận dụng AI để hỗ trợ. Tuy nhiên, công cụ đó vẽ ra thứ gì điều đó phụ thuộc lớn vào hiểu biết của người làm báo, họ phải hiểu về sự kiện năm đó để cung cấp cho AI cũng như những đoạn văn bản, câu lệnh gửi tới AI. Hoặc nếu nhà báo sử dụng AI để tái hiện lại bức tranh với khung cảnh cuộc chiến với những con người thời nhà Trần nhưng nếu người làm báo không có nền tảng kiến thức về binh lính thời nhà Trần như thế nào, trang phục đến các vũ khí ra sao sẽ dễ bị nhầm lẫn sang thời kỳ khác.

cong-cu-AI

Nhà báo Nguyễn Cao Cường tại một buổi tập huấn về truyền thông.

PV: Nếu một tác phẩm báo chí được sản xuất bởi AI hoặc phần lớn do AI tạo ra, anh đánh giá nó như thế nào về mặt pháp lý nếu tác phẩm đó được chấm điểm tác phẩm báo chí chất lượng cao hoặc tham gia các giải báo chí?

- Hiện nay, các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Hội Nhà báo Việt Nam về sử dụng AI trong tác phẩm báo chí cũng chưa có hướng dẫn hay quy định nào cụ thể. Tuy nhiên, cơ quan báo chí có sử dụng AI ở đoạn nào, phần nào cũng nên gắn nhãn rõ. Tôi nghĩ dù tác phẩm đó có mang đi dự thi hay không, chỉ cần được gửi tới cho công chúng thì người làm báo cũng hết sức cẩn trọng, đặc biệt có kiến thức sâu rộng, tổng hợp để phân biệt rõ. Đưa thông tin đầu vào sao cho chuẩn xác để khi AI tạo ra sản phẩm ít bị nhầm lẫn. Sau khi có sản phẩm từ AI, chúng ta buộc phải kiểm tra lại, người làm báo lúc này phải có tư duy của người biên tập, xem đã chuẩn mực hay chưa. Trong giai đoạn bình minh của AI, khi dữ liệu đầu vào còn đang ít và thiếu thì khả năng nhầm lẫn còn rất cao nên càng phải chú ý đến điều này.

PV: Theo anh, các cơ quan báo chí có nên tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho phóng viên, nhà báo tận dụng lợi thế của AI, đặc biệt là những tính năng mới vừa ra mắt?

- Tất nhiên rồi. Đã có AI video content, vertical video, audio hay sản xuất nội dung dạng text, ảnh… người làm báo luôn mong muốn thu hút bạn đọc, khán giả thì cần cập nhật những kiến thức mới. Quan trọng nhất là kỹ năng sử dụng công cụ thế nào, tư duy biên tập, chỉnh sửa, kiểm định của người làm có tốt không. Sự hiểu biết của người làm báo vào lĩnh vực chuyên sâu có đủ không. Tóm lại, mỗi phóng viên nhà báo, biên tập viên cần lưu ý rằng công cụ AI càng tiếp cận dễ dàng, khả năng sai sót càng nhiều.

Trong một tác phẩm báo chí, truyền hình bạn có thể sử dụng bao nhiêu cũng được, miễn là nội dung, hình ảnh đó tạo ra tính logic, chân thực, chính xác về sự kiện so với vấn đề bối cảnh lúc đó, điều ấy mới quan trọng. Nếu một sản phẩm báo chí từ AI được kiểm soát tốt chân thực, phù hợp, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Đối với những ảnh, tranh, video mang tính phục dựng lịch sử chúng ta có thể sử dụng nhưng có thể gắn nhãn để công chúng biết đây là bối cảnh, hình ảnh phục dựng được tạo bởi AI trong giai đoạn nào, thời gian nào về nội dung gì…

PV: Vì còn những vấn đề về pháp lý và tính an toàn, vậy cơ quan báo chí có nên sử dụng sản phẩm AI tạo ra tác phẩm báo chí chỉ sử dụng đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội?

- Nếu làm ra một sản phẩm AI chỉ để up lên các nền tảng mạng xã hội không thôi mà tốn quá nhiều công sức thì theo tôi cũng nên tính toán lại. Nếu mất quá nhiều công sức như vậy thì những sản phẩm đó phải là những sản phẩm nằm trên chính trang web của cơ quan báo chí đó. Còn Facebook, TikTok, YouTube… vẫn là nền tảng của bên thứ ba, chúng ta cũng có thể tạo ra doanh thu từ các kênh như vậy nhưng rõ ràng chiến lược lâu dài vẫn phải là phát triển kênh mà mình sở hữu. Vì thế, nội dung đáng giá, mất công nhất cần nằm ở trên kênh chính thống của chủ sở hữu.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

  • 2 tháng trước
  • 1434

Tổng Giám Đốc

LÊ NGỌC QUANG

Phó Tổng Giám đốc

ĐINH ĐẮC VĨNH

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ THANH HẢI

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ ĐỨC HOÀNG

SẢN PHẨM TRUYỀN HÌNH

Dịch vụ quảng cáo
Dịch vụ quảng cáo
Sản phẩm nội dung số
Sản phẩm nội dung số
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền